Trung tâm Y tế huyện Than Uyên phẫu thuật mở khí quản cấp cứu bệnh nhân.

Người bệnh Lò Văn Nọi (40 tuổi, địa chỉ bản Én Nọi, xã Mường Than) vào viện hồi 19 giờ 53 phút ngày 02/10/2019 với các triệu chứng vướng ở cổ họng, đau họng và khó thở dữ dội. Theo người nhà bệnh nhân kể lại, vào khoảng 12 giờ 00 cùng ngày bệnh nhân ăn cá, sau vướng ở cổ họng, đau, khó chịu, đến 18 giờ cùng ngày xuất hiện khó thở nhiều, gia đình đưa vào viện. Tại đây các Bác sỹ đã nhanh chóng thăm khám, xét nghiệm, nội soi; kết quả nội soi cho thấy biến dạng nắp thanh thiệt, phù nề xung huyết, không nhìn thấy dị vật. Trước yêu cầu cấp bách để cứu sống người bệnh, kíp trực đã xin ý kiến Lãnh đạo Trung tâm để nhanh chóng hội chẩn cấp cứu, thống nhất chẩn đoán: “khó thở thanh quản độ 2 theo dõi dị vật hạ họng thanh quản” đe dọa tính mạng, cần phải được mở khí quản cấp cứu kịp thời, ca phẫu thuật hiện thành công, hiện tại bệnh nhân đã ổn định và sức khỏe đang dần hồi phục.

Bác sĩ cho biết: “Dị vật đường thở, tiêu hóa là “tai nạn” rất thường gặp khi ăn uống bất cẩn, xảy ra ở trẻ nhỏ và cả người lớn, đặc biệt khi bị hóc xương, dù là một hay hai mẩu xương nhỏ, sẽ có cảm giác đau đớn và khó chịu. Mặc dù, xương cá là một dị vật thường gặp và đơn giản, nhưng nếu không được xử trí lấy dị vật ra kịp thời thì có thể sẽ xảy ra các tình huống nguy hiểm như dị vật đâm rách, thủng thực quản dẫn đến áp xe thực quản”.

Các bác sỹ mở khí quản cấp cứu người bệnh

Không ăn nhanh và cười đùa để tránh hóc dị vật

Đa phần các ca bị hóc dị vật vào cấp cứu là do hóc xương cá. Nguyên nhân là do bệnh nhân thường ăn vội vàng hoặc cười đùa trong lúc ăn. Bác sĩ cho biết, hóc dị vật xương ca thường là sắc nhọn và dài người bệnh sẽ thấy nuốt đau nhói, hoặc nuốt vướng. Phần lớn các bệnh nhân thường chữa mẹo tại nhà, khi tình trạng đau tăng (nặng) mới tới bệnh viện khám. Khi đó tình trạng đã chuyển biến nặng gây nhiễm trùng, đặc biệt là trường hợp hóc xương cá biển. “Vùng cổ là nơi có nhiều mạch máu lớn, người bệnh bị nhiễm trùng và dị vật sắc nhọn… có nguy cơ chảy máu rất cao. Đối với, những trường hợp có bệnh lý mãn tính cũng đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra phương pháp điều trị sao cho hợp lý”. Bệnh nhân bị hóc dị vật sẽ được soi ống cứng kiểm tra, nếu có dị vật sẽ tiến hành gắp luôn. Trong trường hợp soi không thấy dị vật, các bác sĩ có thể chọn phương pháp mở cạnh cổ để lấy dị vật.

Các Bác sĩ khuyến cáo: “Để phòng tránh nguy cơ hóc dị vật người dân nên ăn chậm nhai kỹ, khi ăn không nên cười đùa và nói chuyện. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn đặc biệt cho người già và trẻ nhỏ cần phải lưu ý lọc bỏ phần thịt và phần xương riêng”. Trong trường hợp bị hóc xương, không nên tự ý dùng tay để cố lấy dị vật hoặc dùng mẹo để chữa, mà đến ngay các cơ sở y tế được được thăm khám và xử trí kịp thời./.

        Người viết

Dương Quang Hồng