1. Adenovirus là gì?
Adenovirus là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt chúng gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong từ 8-10%.
Bệnh có thể lây do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị nhiễm virus có trong dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm Adenovirus.
2. Khả năng gây bệnh
Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp thì Adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột…
Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
2.1. Viêm đường hô hấp
Viêm họng cấp: Bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như sốt, đau đầu, sưng họng, ho và chảy nước mũi. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều ngày từ 7 đến 14 ngày và có thể lây lan nhanh trở thành dịch.
Viêm họng kết mạc: Các triệu chứng giống viêm họng do Virus Adeno nhưng kèm thêm viêm kết mạc biểu hiện kết mạc mắt đỏ, thường không đau, chảy dịch trong. Tình trạng này thường lây thành dịch nhất là vào màu hè, có thể lây qua đường hô hấp hoặc trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh khi đi bơi.
Viêm đường hô hấp cấp: Biểu hiện đau họng, sưng họng, hạch cổ sưng đau, sốt có thể cao đến 39 độ C, ho. Bệnh diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày, gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Viêm phổi: Biểu hiện bệnh xuất hiện đột ngột với sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mũi và các dấu hiệu tổn thương ở phổi, các tổn thương này có thể lan rộng, để lại di chứng và nghiêm trọng hơn là có thể gây tử vong.
2.2. Viêm kết mạc mắt:
Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ, bệnh hay gây thành dịch vào mùa hè do dễ lây qua nước ở bể bơi. Biểu hiện bệnh viêm cấp tính kết giác mạc, kết mạc mắt đỏ, có thể một hoặc cả 2 bên, chảy dịch trong, dễ bị bội nhiễm vi khuẩn nếu không kiểm soát và can thiệp kịp thời.
2.3. Bệnh viêm dạ dày, ruột:
Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước kéo dài khoảng 7 ngày, có kèm theo sốt, nôn, buồn nôn, các dấu hiệu viêm đường hô hấp và viêm kết mạc.
3. Cách điều trị và phòng bệnh:
Hiện nay, bệnh do Virus Adeno gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách điều trị chính là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, nếu có bội nhiễm thì dùng thuốc kháng sinh.
Hiện tại ở Việt Nam, chưa có vắc xin phòng ngừa Virus Adeno. Vì thế, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy, đồng thời tuân thủ tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh đang sẵn có.
Một số cách phòng bệnh mọi người có thể tham khảo thêm như
Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Cần đeo khẩu trang khi cho trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh.
Hướng dẫn trẻ thói quen che miệng khi ho, hắt hơi.
Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên.
Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Virus này rất dễ lây lan cho cộng đồng và đặc biệt có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm từ những triệu chứng thông thường, vì vậy khi thấy trẻ em có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Virus Adeno cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe và ngay khi có dấu hiệu bất thường cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị./.