Ngày 18/5 vừa qua tại thành phố Nha Trang, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống vi rút gây ra hội chúng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Luật Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam ra đời và thực thi trong 10 năm qua đã để lại 10 điểm đáng ghi nhớ sau:
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á trong việc ban hành Luật pháp liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Đây là khung pháp lý quan trọng, quyết định sự thành công của công tác phòng, chống HIV/AIDS 10 năm qua
Thứ hai, Luật phòng, chống HIV/AIDS ra đời đã làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo và người dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trước đây, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm không được xã hội chấp nhận, cho rằng như vậy là khuyến khích các tệ nạn xã hội phát triển. Nhận thức của cấp ủy Đảng, nhận thức của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thay đổi một cách căn bản. Nhận thức của người dân thông qua tỷ lệ hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS ngày một nâng cao.
Thứ ba, Luật Phòng, chống HIV/AIDS ra đời tạo bước đột phá quan trọng, quyết định đến việc thực hiện các biệt pháp can thiệp giảm tác hại. Trước đó, phát bơm kim tiêm cho người nghiện ma túy, phát bao cao su cho phụ nữ mại dâm được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Chính quyền và xã hội không ủng hộ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Đến nay, chúng ta đã có bước chuyển biến quan trọng, đã có hơn 50 nghìn người nghiện ma túy đang được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.
Thứ tư, thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS 10 năm qua, Việt Nam đã có nhiều thành công trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV. Việt Nam đã dự phòng được cho 400 nghìn trường hợp tránh bị lây nhiễm HIV, tránh tử vong cho 150 nghìn người nhiễm HIV. Như vậy, hàng năm chúng ta đã tránh tử vong cho 15 nghìn trường hợp, lớn hơn cả số người tử vong do tai nạn giao thông hàng năm.
Thứ năm, Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã bảo vệ được các quyền của nhóm yếu thế (nghiện ma túy, mại dâm, đồng tính nam, người chuyển giới, người nhiễm HIV). Trước đây, những người nay không dám xuất hiện trước công chúng. Hiện nay, họ thiết lập được mạng lưới đến hàng nghìn người, với nhiều hoạt động xã hội hữu ích, giúp những người trong cuộc trong chăm sóc sức khỏe, có quyền tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản, các dịch vụ xã hội.
Thứ sáu, Luật Phòng, chống HIV/AIDS ra đời đã huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ bảy, nội dung Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định và đảm bảo được các điều kiện cho thực hiện các hoạt động, bảo đảm được các nguồn lực bao gồm cả kinh phí và con người. Thu hút nguồn lực quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS, tiết kiệm đáng kể nguồn trong nước. Bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương đến địa phương được hình thành, phát triển rất chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất về phòng, chống HIV/AIDS thay đổi căn bản. Trước đây, phòng xét nghiệm khẳng định trong cả nước đếm được trên đầu ngón tay, đến nay có trên 100 phòng xét nghiệm khẳng định HIV trên 63 tỉnh, thành phố, có hàng chục phòng xét nghiệm khẳng định tuyến huyện, tiến tới phương pháp tự xét nghiệm tại nhà.
Thứ tám, Luật Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quy định quốc tế, thậm trí có nhiều điểm đi tiên phong trong khu vực.
Thứ chín, Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã tác động lớn và hiệu quả đối với kinh tế, xã hội. Tiết kiệm được 2,8 triệu năm sống khỏe. Tiết kiệm được kinh phí vì 1/3 người nhiễm HIV là người sử dụng ma túy. Chúng ta đã và đanh triển khai mạnh mẽ điều trị nghiện bằng Methadone. Hoạt động này đã đem lại hạnh phúc cho người nghiện ma túy, họ có công ăn việc làm có thu nhập, mang lại cuộc sống thứ 2 cho người nghiện
Thứ mười, Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã cho phép Việt Nam thực hiện nhiều mô hình, nhiều sáng kiến trong phòng, chống HIV/AIDS được quốc tế đánh giá cao và điểm sáng trên bản đồ quốc tế, khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã bộc lộ một số điểm cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay của đất nước. Thứ trưởng chỉ đạo 5 điểm cần lưu ý khi chỉnh sửa Luật như sau: Nhóm vấn đề thứ nhất, về can thiệp, về dự phòng nhiễm HIV. Chúng ta cam kết thực hiện Mục tiêu 90-90-90, vậy cần giảm số người nhiễm mới HIV từ hơn 10 nghìn ca mỗi năm xuống còn 1 nghìn. Vậy thì các biện pháp về truyền thông, can thiệp cần phải có sự thay đổi căn bản mới có thể đạt được mục tiêu đó. Can thiệp trong trại giam, trại tạm giam như thế nào? Vai trò của Toàn án ma túy với công tác phòng, chống HIV/AIDS cần phải đặt ra cho phù hợp hơn; Nhóm vấn đề thứ 2, cần thay đổi về mặt chuyên môn. Điều chỉnh và áp dụng các biện pháp chuyên môn hiện đại mà thế giới đã chứng minh về hiệu quả. Ví dụ về điều trị dự phòng, cho phép hệ thống tham gia như thế nào? Được chi trả bảo hiểm y tế không? Vấn đề dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các biện pháp kỹ thuật như thụ tinh ngoài sau rửa tinh trùng của cặp bạn tình dị nhiễm…v.v; Nhóm vấn đề thứ 3, cần xem xét thay đổi về mặt luật pháp, hiến pháp cho phù hợp với quốc tế. Ví dụ như quyền từ chối chăm sóc, điều trị ở giai đoạn bệnh nặng, từ chối điều trị ARV, quyền từ chối có con không có can thiệp…v.v; Nhóm vấn đề thứ 4, rà soát lại Luật Phòng, chống HIV/AIDS với các quy định và định hướng quốc tế về HIV/AIDS để có sự phù hợp với cam kết, mục tiêu của quốc tế. Ví dụ, quốc tế định hướng kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì Việt Nam cần có những điều chỉnh gì về pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS; Nhóm vấn đề thứ 5, rà soát và điều chỉnh lại các điều kiện đảm bảo về con người, cơ sở, vật chất kỹ thuật cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, nếu giữ cách làm cũ thì không thể kết thúc đại dịch AIDS./.
Ban Biên tập CTTĐTBYT